Nội dung
Bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí là gì?
Nghị luận về một tư tưởng đạo lý là việc phân tích và bàn luận về một vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng hay đạo lý như cách hành xử, thái độ, cử chỉ và hành vi của con người với con người hoặc của con người với những vấn đề xã hội đang nổi cộm ngày nay. Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý là việc tổng hợp nhiều động tác lập luận để làm sáng tỏ những vấn đề tư tưởng, đạo lý xuất hiện trong cuộc sống và trong những mối quan hệ xã hội.
Đề bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí rất đa dạng và thể hiện những tư tưởng và quan niệm mang tính nhân văn, hướng con người đến những điều tốt. Đề bài nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ bao gồm 2 dạng. Dạng 1 đã nêu rõ yêu cầu nghị luận, còn dạng 2 chỉ đưa ra vấn đề nghị luận chứ không đưa ra yêu cầu cụ thể nào để người đọc có thể tự nhận định. Vì vậy học sinh cần phải đọc kỹ đề bài cũng như nắm chắc kỹ năng làm bài thì mới có thể dành được điểm cao.
Kỹ năng viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Kỹ năng phân tích đề
Phân tích đề là chỉ ra được những yêu cầu về nội dung cũng như thao tác lập luận và phạm vi dẫn chứng của đề. Đây là bước vô cùng quan trọng trong quá trình làm văn nghị luận xã hội.
Các bước phân tích đề:
- Đọc kĩ đề bài sau đó gạch chân các từ khoá then chốt.
- Chú ý những yêu cầu của đề, xác định rõ yêu cầu của đề.
- Cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Đây là dạng đề gì?
- Đề đặt ra vấn đề nào cần giải quyết?
Kỹ năng xác định luận điểm, luận cứ
Học sinh cần phải tham khảo dàn ý chung của kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lí để có thể xác định những luận điểm cho bài viết. Thông thường, một bài văn nghị luận về tư tưởng đạo lí sẽ có các luận điểm chính sau:
- Luận điểm 1: Giải thích được tư tưởng đạo lí.
- Luận điểm 2: Bình luận và chứng minh tư tưởng đạo lí, đồng thời phê phán những biểu hiện sai lệch liên quan tới vấn đề.
- Luận điểm 3: Bài học được rút ra.
Cách 1: Giải thích và phân tích, bác bỏ hoặc không, bình luận, nêu bài học nhận thức và hành động
Nghị luận về vấn đề tư tưởng đạo lý hết sức đa dạng, có thể là vấn đề mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Dù đề bài ra theo bất cứ hướng nào, để làm tốt, học sinh có thể triển khai dựa trên 5 bước sau:
- Giải thích (là gì): Tìm và giải thích được nghĩa của các từ khóa, rút ra được ý nghĩa chung của tư tưởng đạo lí và quan điểm của tác giả.
- Phân tích (tại sao): Trả lời câu hỏi tại sao vấn đề này lại đúng hoặc tại sao không đúng, sử dụng dẫn chứng thực tiễn để chứng minh lập luận.
- Bác bỏ (nếu không như vậy thì sẽ như thế nào): Lật ngược lại vấn đề vừa bàn luận, phủ nhận nó bằng cách đưa ra những vấn đề đúng.
- Bình luận và đánh giá (có giá trị gì và tác động ra sao): Đánh giá xem vấn đề ấy đúng hay sai, có tác động thế nào đối với cá nhân và xã hội.
- Bài học về nhận thức và hành động (tích cực): Rút ra bài học cho bản thân và xã hội, thuyết phục mọi người cùng áp dụng và hành động.
Cách 2: Giải thích về tư tưởng, đạo lí; bàn luận và mở rộng; nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức, hành động
- Giải thích về tư tưởng, đạo lí: Giải thích các từ trọng tâm, sau đó giải thích cả câu nói để rút ra được ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lí và quan điểm của tác giả.
- Bàn luận:
- Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng, đạo lí, chứng minh tầm quan trọng và tác dụng của nó đối với đời sống xã hội.
- Bác bỏ (phê phán) các biểu hiện sai lệch có liên quan tới vấn đề, lấy dẫn chứng minh họa.
- Mở rộng:
- Giải thích và chứng minh bằng việc đào sâu thêm vấn đề.
- Lật ngược vấn đề bằng cách đưa ra mặt trái của nó hoặc phủ định bằng việc đưa ra những vấn đề đúng.
- Nêu ý nghĩa và rút ra bài học nhận thức, hành động: Rút ra những kết luận đúng đắn và thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.
Sơ đồ tư duy viết bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí
Để học tập một cách có hệ thống, các em hãy tham khảo sơ đồ tư duy viết bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí dưới đây để nắm được những ý cần có trong bài. Sau đó, các em có thể tự tạo cho mình một sơ đồ tư duy thể hiện dàn ý của bài văn nghị luận về một tư tưởng đạo lí cho riêng mình. Có như vậy, các ý trong bài sẽ được thể hiện ra tránh trường hợp thiếu ý và căn chỉnh thời gian viết bài cho hợp lý.
Khi theo dõi bài viết trên của FPT Skill King, các em sẽ hiểu được đầy đủ khái niệm, kỹ năng, các bước làm bài và sơ đồ tư duy tham khảo khi gặp đề bài nghị luận về một tư tưởng đạo lí. Ngoài ra, nếu các em muốn học thêm về những loại văn nghị luận khác thuộc chương trình ngữ văn nói riêng hay kể cả những kiến thức của môn học khác nữa, các em hãy nhanh chóng truy cập vào website FPT Skill King để có thể đăng ký khóa học và cùng trải nghiệm học tập cùng thầy cô FPT Skill King ngay nhé!