Bệnh thủy đậu có tính lây nhiễm cao và có thể bùng phát thành dịch mặc dù người nhiễm bệnh chưa có triệu chứng. Thủy đậu dù là bệnh nhẹ nhưng nếu không biết cách chăm sóc người bị thủy đậu kỹ càng và điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không thể xem thường như: nhiễm vi khuẩn gây tổn thương da thứ phát (bội nhiễm), viêm phổi, viêm tiểu não, viêm não, viêm màng não do virus thủy đậu.
Vậy làm thế nào để chăm sóc người bị thủy đậu hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chăm sóc đầy đủ cho trẻ em và người lớn mắc bệnh thủy đậu để tránh để lại sẹo. Hãy cùng tham khảo ngay nhé!
BS Bùi Công Sự – Quản lý Y khoa Vùng 3 – Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Ai cũng có thể mắc bệnh thủy đậu, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Tỷ lệ mắc thủy đậu ở người lớn thấp hơn nhưng có nhiều trường hợp biến chứng nặng, phải nhập viện, thậm chí tử vong. Cách chăm sóc người bị thủy đậu phù hợp sẽ giúp hạn chế tình trạng bội nhiễm, không để lại sẹo mất thẩm mỹ, đặc biệt là chặn đứng các biến chứng nguy hiểm”.
Nội dung
- 1 Các Biến Chứng Nếu Thủy Đậu Không Được Điều Trị Và Chăm Sóc Đúng
- 2 Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Người Bị Thủy Đậu Tại Nhà
- 2.1 1. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ
- 2.2 2. Cho người bệnh ở riêng, không gian thoáng
- 2.3 3. Chế độ dinh dưỡng phù hợp, áp dụng kiêng khem khoa học
- 2.4 4. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế hoạt động mạnh
- 2.5 5. Vệ sinh cơ thể cho người bệnh đúng cách
- 2.6 6. Vệ sinh không gian sống và các vật dụng cá nhân
- 2.7 7. Mặc quần áo thoáng khí và thay quần áo nhẹ nhàng
- 2.8 8. Cắt móng tay cho người bệnh
- 2.9 9. Hạn chế tiếp xúc đông người
- 3 Người Chăm Sóc Bệnh Nhân Thủy Đậu Có Bị Lây Bệnh Không?
Các Biến Chứng Nếu Thủy Đậu Không Được Điều Trị Và Chăm Sóc Đúng
Thủy đậu, còn gọi là trái rạ, đậu mùa gà, do virus Varicella zoster gây ra, có thể lây truyền dễ dàng trong cộng đồng qua các dịch tiết trên các tổn thương da hoặc dịch tiết từ mũi họng của người bệnh. Bệnh thủy đậu thường xảy ra ở trẻ em và người lớn, nhưng chủ yếu là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Bệnh thủy đậu đặc trưng bởi phát ban dạng mụn nước xuất hiện trên da và niêm mạc. Nhiều người nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc bệnh, nhưng thực tế người lớn cũng dễ lây nhiễm VZV. Tâm lý chủ quan trong việc phòng ngừa và điều trị đã khiến nhiều trường hợp người lớn tử vong do biến chứng viêm não, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng da thứ phát với liên cầu khuẩn, hội chứng Reye hoặc viêm phổi gây suy hô hấp.
Đặc biệt, sau khi hồi phục, virus VZV vẫn “ngủ” trong các hạch thần kinh và “thức giấc” nếu gặp các điều kiện thuận lợi như người suy giảm miễn dịch, căng thẳng, người lớn trên 60 tuổi có bệnh lý nền, người sử dụng các loại thuốc làm suy giảm hệ thống miễn dịch, gây bệnh zona thần kinh (còn gọi là giời leo).
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là ở tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Virus VZV có khả năng gây sẩy thai hoặc em bé sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh như chứng đầu nhỏ, bại não, co gồng tay chân, sẹo bẩm sinh… Nếu mẹ bầu mắc bệnh thủy đậu trong những tháng cuối của thai kỳ hoặc ngay sau sinh, trẻ rất dễ mắc bệnh, và có nguy cơ cao gặp các biến chứng thủy đậu nguy hiểm.
Việc giảm nhẹ các triệu chứng kết hợp với cách chăm sóc người bị thủy đậu đúng cách là phương pháp giúp hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả, đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe và tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.
Hầu hết các trường hợp mắc thuỷ đậu, mụn nước xuất hiện thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 2 đến 3 ngày. Gần 1 tuần sau khi phát ban, mụn nước sẽ khô và kết vảy. Trong tuần tiếp theo, vảy sẽ tự bong nhưng nếu người bệnh không được chăm sóc và kiêng khem cẩn thận, nguy cơ để lại sẹo thâm và sẹo lõm là rất cao.
Hướng Dẫn Cách Chăm Sóc Người Bị Thủy Đậu Tại Nhà
Để người bệnh nhanh khỏi và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, người chăm sóc cần nắm các cách chăm sóc người bị thủy đậu sau đây:
1. Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ
-
Bôi thuốc: Sử dụng thuốc bôi hiệu quả là cách chăm sóc người bị thủy đậu để hạn chế sẹo khi khỏi bệnh. Thuốc Acyclovir thường được bác sĩ chỉ định để điều trị nhiễm trùng do virus gây ra. Thuốc này giúp ức chế sự phát triển của virus thủy đậu, hạn chế sự lan rộng của mụn nước trên cơ thể, giảm mức độ nghiêm trọng, giảm kích ứng da, giảm ngứa, ngăn chặn vết loét mới, chống thủy đậu bội nhiễm, giúp vết thương mau lành và được khuyến cáo sử dụng trong vòng 24 giờ khi xuất hiện phát ban để mang lại hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, thuốc xanh Methylen cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh thủy đậu.
-
Uống thuốc giảm đau: Để giảm đau nhức, bác sĩ có thể kê thêm paracetamol với liều lượng đường uống phù hợp. Lưu ý không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau khác mà cần có chỉ định từ bác sĩ điều trị.
-
Hạ sốt: Sử dụng thuốc hạ sốt giúp điều chỉnh thân nhiệt trở lại bình thường.
-
Các trường hợp cần đến bác sĩ: Nếu thấy người bệnh có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, khó thở, co giật, lừ đừ, hôn mê… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.
2. Cho người bệnh ở riêng, không gian thoáng
Người mắc bệnh thủy đậu cần được ở riêng, cách ly với các thành viên khác trong gia đình để hạn chế khả năng lây lan. Không gian sống cần thoáng mát, sạch sẽ và được vệ sinh hàng ngày bằng dung dịch khử khuẩn. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang và sát trùng tay chân để bảo vệ chính mình.
3. Chế độ dinh dưỡng phù hợp, áp dụng kiêng khem khoa học
Chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp tăng cường sức đề kháng chống lại virus thủy đậu. Bổ sung các thực phẩm lành mạnh như súp, canh, cháo và các loại rau, trái cây giàu vitamin A, vitamin C, canxi, kẽm, magie, bioflavonoid làm tăng sức khỏe. Hạn chế thực phẩm giàu đạm, chất béo, hải sản, thức ăn có nhiều đường, thức ăn chế biến nhanh, nhiều dầu mỡ, cay nóng.
4. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi đầy đủ, hạn chế hoạt động mạnh
Người bệnh cần được cách ly riêng từ 7-10 ngày và nghỉ ngơi đầy đủ, không thực hiện các hoạt động mạnh để tránh tiêu hao năng lượng cơ thể và giảm sức đề kháng.
5. Vệ sinh cơ thể cho người bệnh đúng cách
Tắm gội đúng cách sau khi cố gắng không chà xát mạnh để tránh tổn thương da. Việc này không chỉ tránh nhiễm trùng da mà còn giúp cơ thể luôn sạch sẽ và mau chóng phục hồi sức khỏe.
6. Vệ sinh không gian sống và các vật dụng cá nhân
Vệ sinh không gian sống và các bề mặt tiếp xúc hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn và hút bụi sạch sẽ. Vệ sinh các vật dụng cá nhân bằng cách sát trùng và khử khuẩn để ngăn ngừa nhiễm trùng.
7. Mặc quần áo thoáng khí và thay quần áo nhẹ nhàng
Chọn quần áo làm từ chất liệu mỏng nhẹ, thoáng mát để tránh cảm giác ngứa ngáy và khó chịu.
8. Cắt móng tay cho người bệnh
Trẻ em cần có móng tay ngắn và sạch sẽ để tránh cào, gãi các nốt mụn nước và nguy cơ nhiễm trùng da.
9. Hạn chế tiếp xúc đông người
Người bệnh cần nghỉ học, nghỉ làm việc và cách ly riêng từ 7-10 ngày, hạn chế tiếp xúc với người khác cho đến khi khỏi bệnh.
Người Chăm Sóc Bệnh Nhân Thủy Đậu Có Bị Lây Bệnh Không?
Có! Thủy đậu là bệnh có tính lây nhiễm cao thông qua tiếp xúc thông thường. Ngoài ra, các mụn nước có nguy cơ bị vỡ chứa virus thủy đậu, dễ lây lan sang vùng da khác.
Trong quá trình chăm sóc người bệnh, người chăm sóc cần đeo khẩu trang y tế, rửa tay hàng ngày và hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với các mụn nước trên vùng da tổn thương của người bệnh và tránh việc đụng chạm vào các mụn nước có nguy cơ bị vỡ để ngăn ngừa lây lan virus.
Mong rằng những thông tin về bệnh thủy đậu và hướng dẫn cách chăm sóc người bị thủy đậu tại nhà sẽ giúp người bệnh tránh các biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Để phòng ngừa bệnh thủy đậu, hãy chủ động tiêm phòng vắc xin đúng lịch và đủ liều.