Nội dung
Dậy thì muộn là gì?
Tuổi dậy thì là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển từ trẻ thành người trưởng thành. Thông thường, dậy thì xảy ra từ 8-14 tuổi đối với trẻ gái và từ 9-15 tuổi đối với trẻ trai. Trong giai đoạn này, cơ thể trải qua nhiều thay đổi quan trọng như: ngực phát triển, mọc lông mu, có kinh nguyệt ở bé gái và mọc lông mu, lông mặt, tinh hoàn và dương vật phát triển, hình dạng cơ thể thay đổi ở bé trai. Những thay đổi này là do sự tăng cường hormone testosterone ở bé trai và estrogen ở bé gái.
Nguyên nhân dậy thì muộn ở trẻ
Nguyên nhân dậy thì muộn ở trẻ gái
- Do di truyền: Một số trẻ gái dậy thì muộn do di truyền từ bố mẹ.
- Bệnh lý ảnh hưởng tới buồng trứng: Các rối loạn hoạt động của trục nội tiết như thiếu hormone tăng trưởng, thiếu hormone tuyến yên FSH, LH; bệnh lý suy buồng trứng, bất thường bộ nhiễm sắc thể XO (hội chứng Turner) có thể gây dậy thì muộn ở trẻ gái.
- Khối lượng mỡ của cơ thể giảm: Bé gái phải hoạt động nhiều hoặc mắc bệnh biếng ăn, khối lượng mỡ giảm cũng có thể gây dậy thì muộn.
- Do thể trạng: Một số bé gái dậy thì muộn do thể chất.
Nguyên nhân dậy thì muộn ở trẻ trai
- Do di truyền: Có tới 70% bé trai dậy thì muộn là do di truyền từ bố mẹ.
- Do thiếu hụt nội tiết: Thiếu hụt hormone từ khi sinh ra có thể gây dậy thì muộn ở bé trai.
- Bất thường tinh hoàn: Sự bất thường ở tinh hoàn, tiền sử từng phẫu thuật, điều trị ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai.
- Mắc bệnh mạn tính: Viêm đại tràng, thiếu máu hồng cầu liềm hoặc xơ nang thường dễ bị dậy thì muộn.
- Hội chứng Klinefelter: Có trẻ trai mang bộ nhiễm sắc thể XXY thay vì XY như thông thường, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh dục, sức khỏe và học tập của trẻ.
Dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ
Bé trai dậy thì muộn có biểu hiện gì?
Một bé trai được cho là dậy thì muộn nếu sau 14 tuổi trẻ không có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào trên cơ thể như tinh hoàn và dương vật không phát triển, không mọc lông mu, và chiều cao không tăng vọt trong vòng 1 năm kể từ khi các dấu hiệu đầu tiên xuất hiện.
Bé gái dậy thì muộn có biểu hiện gì?
Nếu sau 14 tuổi mà bé gái không có bất kỳ dấu hiệu phát triển sinh như chưa có kinh nguyệt, nhũ hoa không đau và chưa phát triển về kích thước.
Chẩn đoán dậy thì muộn ở trẻ
Bác sĩ sẽ đánh giá tổng quan tiền sử gia đình, quá trình sinh nở và phát triển của trẻ, kết hợp với thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
- Tiền sử của gia đình, bố mẹ, trẻ: Bác sĩ cần tìm hiểu các bệnh lý di truyền trong gia đình, quá trình sinh nở của trẻ, quá trình phát triển và chế độ ăn uống.
- Thăm khám lâm sàng: Bác sĩ khám sức khỏe tổng quát và các cơ quan sinh dục, kiểm tra các dấu hiệu dậy thì.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm máu để đánh giá hormone tăng trưởng, X-quang để đánh giá tuổi xương, siêu âm và cộng hưởng từ để kiểm tra tuyến yên và các tuyến sinh dục.
Các biến chứng nguy hiểm của dậy thì muộn ở trẻ
Đối với trẻ gái
Dậy thì muộn có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ, dẫn đến tâm lý lo lắng và tự ti. Nhiều trẻ muốn tìm hiểu và lo lắng về khả năng sinh sản của bản thân sau này. Vì vậy, cha mẹ cần đồng hành, động viên và tâm sự với trẻ để trẻ hiểu và không mắc cảm.
Đối với trẻ trai
Dậy thì muộn ở bé trai liên quan đến phát triển cơ quan sinh dục như dương vật và tinh hoàn, có thể ảnh hưởng đến khả năng tình dục và sinh sản sau này. Cha mẹ cần theo dõi và phát hiện kịp thời để được tư vấn và hỗ trợ từ bác sĩ.
Các phương pháp điều trị dậy thì muộn
Ở bé gái
- Nếu liên quan đến thể chất: Bổ sung hormone estrogen để thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra sớm hơn.
- Nếu do lượng mỡ cơ thể giảm: Bổ sung dinh dưỡng để tăng cân phù hợp với lứa tuổi.
- Do suy buồng trứng sớm hoặc thiếu hụt hormone: Bổ sung hormone estrogen và progestin để tạo điều kiện cho dậy thì.
Ở bé trai
- Sử dụng thuốc tiêm để kích thích chiều cao và phát triển cơ quan sinh dục.
- Bổ sung testosterone cho trẻ mắc chứng thiếu hụt hormone và bất thường dương vật.
Trị liệu tâm lý
Dậy thì là một cột mốc quan trọng trong quá trình lớn lên, nhiều trẻ dậy thì muộn sẽ tự ti và lo lắng với bạn bè. Cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ và đồng hành với trẻ nếu cần điều trị.
Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp các phụ huynh có thêm kiến thức về dậy thì muộn ở trẻ và đồng hành cùng con trên mỗi bước phát triển thể chất và tinh thần.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cung cấp các dịch vụ khám nhi khoa, trong đó có khám dậy thì muộn. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, hiểu rõ về tâm lý trẻ và các dịch vụ toàn diện, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cam kết mang lại sự hài lòng cho mỗi khách hàng. Hãy click vào đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Chú ý: Những thông tin được cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác!