Một chút chia sẻ nhỏ
Viết một bài viết tổng hợp lại những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua khi tham gia các cuộc thi Mock Trial là một điều mà tôi đã muốn làm từ hơn một năm trước. Và khát khao ấy luôn mãnh liệt trở lại sau mỗi lần tôi xem Mock Trial. Tôi cứ ước gì những bạn bè tham gia Mock Trial ấy biết về những sai lầm tôi đã mắc, thì chắc hẳn họ sẽ làm ra một phiên tòa tốt hơn, đậm tính học thuật và truyền cảm hứng hơn.
Thế nhưng vì việc này việc nọ, và vì nhiều nhất là chính mình, mà tôi cứ đặt bút xuống lần này rồi lần khác mà không viết được một mở đầu ưng ý. Chính vì vậy mà bài viết đã hứa hẹn với vài người bạn mãi vẫn chưa ra đời được.
Gần đây, trong một cơ hội hiếm hoi và may mắn, tôi lại có cơ hội được xem bạn bè tham dự Mock Trial. Tôi nhận ra rằng cũng như tôi, các bạn ấy đều là những người bị cuốn hút bởi Mock Trial. Nhìn cách các bạn tiến hành phần mở đầu, phần thẩm vấn, và phần kết luận, tôi cảm thấy trong các bạn niềm say mê mãnh liệt pha lẫn sự hồi hộp, căng thẳng và lo lắng. Đó là một hình ảnh rất đẹp trong mắt tôi. Và hình ảnh ấy thôi thúc tôi viết ra những gì bài học mà tôi có về Mock Trial để tiết kiệm thời gian và sức lực cho những ai đang hoặc sẽ tham dự Mock Trial. Và tôi thật sự hy vọng tôi có thể đem lại gì đó cho bạn.
Có 3 lý do khiến tôi tin rằng bài viết này sẽ mắc phải nhiều nhầm lẫn và thiếu sót. Thứ nhất, tôi muốn hoàn thành bài viết thật sớm. Và mong muốn ấy có lúc sẽ khiến tôi nóng vội hoặc không cẩn thận. Thứ hai, đây là lần đầu tiên tôi thử nghiệm cách viết kiểu kể chuyện với người khác như thế này, vậy nên cách diễn đạt có thể sẽ không được trôi chảy như mong muốn. Nguyên nhân thứ ba, nhưng quan trọng hơn cả, nằm ở khả năng và hiểu biết rất rất hạn chế của tôi.
Dẫu biết rằng bài viết này sẽ còn thô kệch và thiếu sót, tôi vẫn lựa chọn viết chúng. Bởi tôi đã hiểu rằng việc viết ra một cái gì đó đầy lầm lỗi nhưng hữu ích, vẫn còn hơn chẳng bao giờ hoàn thành một cái gì đó hoàn hảo. Vậy nên, giờ đây tôi cầu mong ở bạn sự rộng lượng tha thứ cho những thiếu sót của tôi; đồng thời thật sự mong mỏi bạn sẽ để lại góp ý hoặc bình luận để tôi có thể liên tục cập nhật nhằm hoàn thiện bài viết này. Tôi sẽ biết ơn bạn rất nhiều.
Rộng dài vậy chắc đã đủ. Vậy, hãy cùng tôi bắt đầu với bài viết đầu tiên nhằm trả lời một số câu hỏi chung bạn nhé.
Mock Trial là gì?
Mock Trial là một phiên tòa giả định được tiến hành theo luật tố tụng Anh – Mỹ. Khác với Moot Court mô phỏng phiên tòa phúc thẩm, vốn chỉ tập trung tranh luận các vấn đề pháp lý, Mock Trial mô phỏng phiên tòa sơ thẩm mà trong đó các vấn đề thực tế (factual problems) và các vấn đề pháp lý (legal problems) được xem xét. Đây cũng là phiên tòa mà các bằng chứng, bao gồm vật chứng và lời khai, được xem xét lần đầu tiên và về nguyên tắc cũng là lần duy nhất. Vì vậy, đặc trưng của Mock Trial là phần thẩm vấn các nhân chứng; trong khi Moot court có đặc trưng là sự tranh luận đối đáp giữa 2 bên.
Trong Mock Trial, các bên sẽ được giao cho một vụ án giả định. Thông thường, đây sẽ là một tập hợp các lời khai đã tuyên thệ của nhân chứng và các vật chứng khác nếu có. Các bên sẽ phải nghiên cứu vụ án và chuẩn bị cho phiên tòa một cách độc lập trong một thời gian nhất định trước khi tiến hành một phiên tòa duy nhất. Nhiệm vụ của đội Công tố là chứng minh tội phạm của bị cáo vượt qua các nghi ngờ hợp lý. Trong khi đó, đội Luật sư phải nỗ lực để bào chữa cho bị cáo bằng cách chỉ ra các nghi ngờ hợp lý này, hoặc thậm chí bằng cách chứng minh sự vô tội của bị cáo nếu họ muốn. Chính yếu tố đối kháng và độc lập này đã tạo nên sự hấp dẫn, kịch tính cho Mock Trial.
Các vụ án được được sử dụng trong Mock Trial có thể là vụ án hình sự hoặc dân sự. Tuy nhiên, các vụ án hình sự thường chiếm ưu thế trong các cuộc thi Mock Trial ở Hà Nội.
Mock Trial gồm những phần nào?
Câu trả lời là 3 phần: Mở đầu; Thẩm vấn; và Kết thúc.
Lời mở đầu (Opening statement)
Trong phần mở đầu, Công tố viên và Luật sư sẽ lần lượt trình bày quan điểm của mình. Đây là lần đầu tiên mà Luật sư và Công tố viên được nói trực tiếp với Bồi thẩm đoàn. Và vì vậy, nó có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho Bồi thẩm đoàn một hình dung, một tấm bản đồ về cái gì sẽ diễn ra trong phiên tòa sắp tới. Nếu một Luật sư hoặc Công tố phiên không làm tốt phần này, Bồi thẩm đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc theo dõi phần thẩm vấn sau đó. Họ sẽ không thể biết Luật sư/Công tố viên muốn chứng minh gì và tập trung vào điểm gì. Vì vậy, một phần mở đầu tốt đóng vai trò quan trọng.
Một phần mở đầu tốt sẽ phải làm được 3 nhiệm vụ quan trọng sau: gây sự đồng cảm/gây sự phẫn nộ đối với bị cáo; trình bày câu chuyện về những gì đã xảy ra mà bạn muốn Bồi thẩm đoàn tin vào – đồng thời đưa ra cáo trạng đối với bị cáo hoặc khẳng định sự vô tội đối với thân chủ; giới thiệu các vật chứng mà bạn có, các nhân chứng và vai trò của họ (như: họ chứng kiến gì, họ sẽ giải thích gì, phân tích gì,…). Còn những yếu tố khác làm nên sự thành công của một phần mở đầu, nhưng 3 nội dung trên là 3 điều quan trọng nhất và bắt buộc phải có.
Thẩm vấn (Examinations)
Thẩm vấn là giai đoạn chính và kéo dài nhất của phiên tòa, cũng là giai đoạn căng thẳng và đòi hỏi nhiều sự tập trung nhất. Trong phần này, lần lượt Công tố viên và Luật sư sẽ triệu tập nhân chứng của bên mình và tiến hành thẩm vấn nhân chứng đó. Có hai loại nhân chứng: nhân chứng thường và nhân chứng chuyên gia. Nhân chứng thường chỉ được khai những gì họ trực tiếp chứng kiến hoặc đưa ra suy luận dựa trên hiểu biết thông thường của họ. Nhân chứng chuyên gia được đưa ra các phân tích, kết luận chuyên môn. Các bằng chứng có thể được đưa ra trong quá trình thẩm vấn để các nhân chứng trả lời về chúng.
Thứ tự triệu tập nhân chứng tùy thuộc vào từng cuộc thi. Nhưng có 2 dạng phổ biến nhất như sau:
- Dạng 1 – kiểu xen kẽ: Nhân chứng bên buộc tội; Nhân chứng bên gỡ tội; Nhân chứng bên buộc tội; Nhân chứng bên gỡ tội; Nhân chứng bên buộc tội; Nhân chứng bên gỡ tội.
- Dạng 2 – kiểu cuốn chiếu: 3 nhân chứng bên buộc tội được gọi lần lượt cho đến hết; sau đó 3 nhân chứng bên gỡ tội được gọi cho đến hết.
Khi mỗi nhân chứng được triệu tập, nhân chứng bên nào thì sẽ được thẩm vấn trực tiếp (direct examination) bởi Luật sư/Công tố viên bên đó; tiếp theo, Luật sư/Công tố viên bên còn lại sẽ tiến hành thẩm vấn chéo (cross examination). Luật sư/công tố viên bên triệu tập có thể tái thẩm vấn trực tiếp (redirect) và một số cuộc thi cho phép Luật sư/Công tố bên còn lại được tái thẩm vấn chéo. Có thể thấy, mục đích của màn thẩm vấn trực tiếp là để chứng minh, trong khi mục đích của thẩm vấn chéo là nhằm bác bỏ. Sự đối kháng của Luật sư 2 bên sẽ giúp Bồi thẩm đoàn đánh giá tốt hơn mức độ đáng tin cậy trong lời khai của nhân chứng.
Lưu ý rằng Luật tố tụng không cho phép Luật sư đưa đưa ra luận điểm trong phần này. Và mọi lời khai đều phải được đưa ra bởi nhân chứng.
Kết luận (Closing argument)
Kết luận là phần cuối cùng của phiên tòa trước khi Bồi thẩm đoàn nghị án và đưa ra phán quyết. Trong phần này, lần lượt Công tố viên và Luật sư đưa ra lập luận cuối cùng của mình. Khác với các cuộc thi hùng biện, từng người sẽ trình bày phần lập luận của mình mà không có sự tranh luận đối kháng. Có nhiều cách thức để trình bày một Kết luận. Cách cơ bản là trình bày lần lượt các nội dung chính sau: Làm tốt/xấu hình ảnh của bị cáo (tùy theo vai trò của người nói); Nhắc lại câu chuyện mà bạn muốn chứng minh với bồi thẩm đoàn; Trình bày các bằng chứng chính ủng hộ cho câu chuyện đó, đồng thời phản bác những bằng chứng không ủng hộ câu chuyện của bạn.
Bạn có thể xem clip ngắn dưới đây để hiểu rõ hơn về trình tự của một phiên tòa Mock Trial:
Phản đối là gì?
Xem các phim Hong Kong, ta sẽ ít nhất 1 lần thấy cảnh Công tố viên/Luật sư đứng lên và hô to “Phản đối”. Vậy phản đối là gì?
Phản đối (Objection) là hành động của Công tố viên hoặc Luật sư đối với sự vi phạm luật bằng chứng của bên đối phương nhằm ngăn cản một bằng chứng không hợp lệ được trình bày trước Bồi thẩm đoàn. Và vì luật bằng chứng có rất nhiều quy định về tính hợp lệ của bằng chứng, cho nên cũng có rất nhiều lý do để phản đối.
Xin lấy một ví dụ để giải thích về phản đối. Luật bằng chứng cấm các Luật sư/Công tố viên đặt cho nhân chứng do mình triệu tập những câu hỏi mà trong câu hỏi đó đã gợi ý sẵn về câu trả lời, nhờ đó nhân chứng chỉ cần xác nhận câu trả lời ấy. Đây được gọi là những câu hỏi dẫn dắt. Ví dụ:
Luật sư: Vào 6h tối ngày 1/1/2019, anh đã thấy cô X tại hiện trường vụ án đúng không?
Nhân chứng bên bào chữa: Đúng.
Nếu bạn đang băn khoăn về lý do của luật này, hãy xem xét đoạn thẩm vấn sau đây:
Luật sư: Vào 6h tối ngày 1/1/2019, anh đã thấy gì?
Nhân chứng bên bào chữa: Lưỡng lự à, ừm… tôi không hoàn toàn nhớ rõ.
Luật sư: Vào 6h tối ngày 1/1/2019, anh đã thấy cô X tại hiện trường vụ án đúng không?
Nhân chứng bên bào chữa: À. Đúng. Tôi đã thấy cô X ở đó.
Tiếp tục đọc trên fptskillking.edu.vn