Những ngày gần đây, hình ảnh về tour đêm trải nghiệm du lịch tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám gây tiếng vang lớn, thu hút nhiều người dân tại Hà Nội cùng du khách trong và ngoài nước tìm đến chiêm ngưỡng. Chính thức mở cửa đón du khách vào ngày 1/11/2023 với chi phí tham gia 199.000 đồng/khách, miễn phí với trẻ em cao dưới 1m, tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Lịch sử hình thành
Quốc Tử Giám tức là trường đại học của cả nước, nơi chung đúc tinh hoa và trí tuệ của dân tộc qua các kỳ thi, tuy đó chỉ là một trong những hình thức tuyển lựa. Những tấm bia đá trong Văn Miếu đã lưu danh một phần những phần tử ưu tú của dân tộc. Đa số những ông tiến sĩ đó là những chính khách lỗi lạc, những nhà ngoại giao tài tình, những sứ thần uyên thâm, những văn sĩ thi sĩ nổi danh, những học giả… niềm tự hào của người Việt Nam.
Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám nằm bên cạnh Văn Miếu. Thời gian đầu, trường là nơi chỉ dành cho con vua và các bậc đại thần theo học nên được gọi là Quốc Tử. Người theo học đầu tiên tại đây là hoàng tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan. Đến năm 1156, vua Lý Anh Tông cho tu sửa và chỉ thờ Khổng Tử.
Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện, mở rộng và cho phép con các nhà thường dân có tài học xuất sắc được theo học. Vào đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp (hiệu trưởng) và trực tiếp dạy các hoàng tử. Sau khi ông mất vào năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu cạnh nơi thờ Khổng Tử.
Suốt bốn thế kỷ (1010 – 1400) thời Lý – Trần, triều đình đã cho xây dựng biết bao công trình đồ sộ mang nhiều giá trị văn hoá. Tuy nhiên, các công trình này tàn lụi, theo thời gian chẳng còn lại là bao. Thăng Long thời Lý vẻn vẹn còn chùa Diên Hựu thu hẹp trong khung cảnh nhỏ với chùa Một Cột mọc giữa chiếc hồ vuông nhỏ thả sen. Tháp Báo Thiên cũng chẳng còn. Mảnh đất “nghìn năm văn vật” này “nếu không giữ lại được toà Văn Miếu thì niềm tự hào của dân tộc ta về bề dày văn hoá còn biết căn cứ vào chứng tích gì, hiện vật gì ngoài những điều tóm tắt khái quát trong mấy trang sách sử cũ” – trích Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Văn Uẩn.
Tinh hoa đạo học
Văn Miếu từng chứng kiến bao cuộc phế hưng nhưng nơi này đã cùng thời thế chịu bao nỗi thăng trầm. Dẫu vậy ở ngôi trường đại học đầu tiên của đất nước Việt Nam, những dấu ấn tinh hoa đạo học vẫn được giữ gìn, truyền thừa và nối tiếp.
Ở tour đêm, ngay sau khi bước qua Văn Miếu môn, du khách sẽ chạm mặt với con đường Nhập đạo nối từ cổng chính đến cổng Đại Trung. Bốn chữ “Tinh hoa đạo học” được xếp theo chiều dọc với ý niệm con đường này dẫn tới con đường tinh hoa đạo học của người Việt.
Với tinh thần phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt và đề cao đạo học nên từ cổng chính tới nhà Thái học, mỗi khu vực đều có những câu chuyện gắn với tinh thần hiếu học của người Việt.
Những câu chuyện liên quan đến trường đại học lâu đời nhất của nước ta dần dần được tái hiện. Công nghệ Leap Motion (điều khiển chuyển động 3D) tại khu Thành đạt hấp dẫn hơn khi du khách được sử dụng cảm ứng bằng tay để khám phá nội dung tại khu Văn Miếu.
Quá trình trưởng thành và phấn đấu đỗ đạt của nho sinh được tái hiện rõ nét. Từ khi còn là cậu bé tập viết nét chữ đầu tiên đến khi đọc được sách Thánh hiền, từ lúc “sôi kinh nấu sử” để lên kinh ứng thí rồi đỗ đạt và vinh quy bái tổ. Mỗi một giai đoạn ấy đều là quá trình học không ngừng nghỉ.
Bước vào khu Vườn bia Tiến sĩ, mọi du khách sẽ đều nhìn thấy Thiên Quang tỉnh (giếng Thiên Quang) khoác lên mình một sắc thái mới, một diện mạo mới so với ban ngày. Dải đèn led hai màu in bóng xuống mặt nước cùng với tán cây xung quanh khuôn viên đều được chiếu sáng đổi màu khiến cho dãy nhà bia hai bên giếng trở nên đầy mị hoặc.
Có lẽ, đây là nơi cực kỳ quý giá của Văn Miếu. Với 82 tấm bia Tiến sĩ được dượng hai bên, mỗi bên 41 tấm dựng thành hai hàng ngang, mặt bia quay về phía giếng. Dưới công nghệ trình chiếu mapping hiện đại, nội dung cơ bản trên mỗi tấm bia được thể hiện rõ ràng hơn. Các nội dung không chỉ là danh sách các nhà khoa bảng trong gần 4 thế kỷ mà còn chi tiết tới số lượng thí sinh qua mỗi kỳ thi, các dạng thức bài thi, các chức quan hay các ân điển mà người đỗ đạt nhận được,…
Tại sân Bái đường – khu trưng bày Quốc Tử Giám, du khách được trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo rất mới lạ. Còn toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường tại sân Thái học được trình chiếu 3D mapping theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Nơi đây sẽ biến thành màn hình khổng lồ tái hiện lại con đường đạo học thời xưa đến nay giúp du khách cảm nhận và nắm bắt được những giá trị tinh tuý, cô đọng nhất của đạo học Việt Nam.
Văn Miếu là một cổ tích của Hà Nội, cũng là một thắng cảnh được nhiều người ưa thích đến du ngoạn. Mang trong mình lịch sử, thăng trầm và cả tinh hoa đạo học của người Việt, Văn Miếu – Quốc Tử Giám xứng đáng là vật báu được nâng niu muôn đời truyền thừa cho thế hệ sau tinh thần hiếu học của cha ông.